Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về tư vấn giải quyết tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam

Ngày đăng 12/05/2023
163 Lượt xem

Thứ nhất, sửa đổi quy định tại Điều 9 Nghị định 108/2006/NĐ-CP để khắc phục sai sót về chỉ dẫn áp dụng pháp luật, cũng như loại bỏ các quy định phân biệt đối xử giữa các bên hợp danh là nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Qua đó, sẽ thể hiện sự phù hợp với tinh thần bình đẳng, không phân biệt. Có thể sửa đổi như sau: “Hợp đồng hợp tác kinh doanh được ký giữa các nhà đầu tư trong nước với nhau hoặc những nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài để tiến hành đầu tư, kinh doanh thực hiện theo quy định của pháp luật về hợp đồng kinh tế và pháp luật có liên quan”

 Thứ hai, cho phép nhà đầu tư trong nước được tự do lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp, cách thức giải quyết tranh chấp, có thể lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp nước ngoài. Nhưng cũng cần quy định rõ điều kiện để các bên hợp danh là nhà đầu tư trong nước được quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp là cơ quan giải quyết tranh chấp nước ngoài.

 Thứ ba, hoàn thiện quy định pháp luật về hợp đồng hợp tác theo quy định của BLDS 2015:

 Việc hoàn thiện pháp luật về hợp đồng hợp tác có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cần thiết nhằm đưa hợp đồng hợp tác ngang tầm với các hợp đồng khác trong mối tương quan giữa các hợp đồng thông dụng của BLDS, đồng thời, giúp các doanh nghiệp dễ dàng nắm bắt và tuân thủ pháp luật về hợp đồng hợp tác; tạo điều kiện thuận lợi cho các Tổ chức hành nghề luật sư thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình trong việc tư vấn và cung cấp dịch vụ pháp lý.

Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tư vấn giải quyết tranh chấp hợp đồng hợp tác tại các Tổ chức hành nghề luật sư

Thứ nhất, nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư. Ngày nay, nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của người dân ngày càng trở nên phổ biến, rộng rãi, đồng thời cũng đòi hỏi một đội ngũ luật sư có trình độ chuyên môn cao, có đạo đức nghề nghiệp tốt và tinh thần không ngừng học hỏi, trách nhiệm trong công việc. Trước mắt, ở khâu tuyển chọn, Văn phòng tiến hành tuyển chọn những cử nhân luật tốt nghiệp đại học và trên đại học. Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng tăng cường công tác bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, trong đó công tác hướng dẫn bồi dưỡng, giám sát thực tập sinh hành nghề luật sư được quản lý chặt chẽ nhằm tăng cường chất lượng đầu vào của đội ngũ luật sư tại các Tổ chức hành nghề luật sư. Về giải pháp lâu dài, có thể thấy các Tổ chức hành nghề luật sư hiện nay đã và đang thực hiện chương trình và phương pháp đào tạo luật sư theo hướng chuyên sâu, phù hợp với định hướng chung. Xây dựng và hoàn thiện các tài liệu bồi dưỡng luật sư. Đồng thời, mở rộng việc giao lưu chuyên môn giữa các văn phòng luật sư với nhau nhằm trao đổi các kỹ năng chuyên môn cùng nâng cao chất lượng tư vấn pháp luật của các luật sư, tạo nên một môi trường làm việc chuyên nghiệp, đặt niềm tin và lợi ích hợp pháp của Quý khách hàng lên hàng đầu.

 Thứ hai, tăng cường sự phối hợp, tham vấn giữa Văn phòng luật sư với các cơ quan nhà nước địa phương. Cần có cơ chế để định kỳ hàng quý Ban Nội chính và Sở Tư pháp chủ trì mời các cơ quan nhà nước có liên quan và Đoàn Luật sư cấp tỉnh, các Tổ chức hành nghề luật sư để thực hiện việc trao đổi về công tác phối hợp, thực thi pháp luật,… cũng như tham vấn các dự án, chính sách của địa phương. Qua đó, nâng cao được trách nhiệm của các Cơ quan nhà nước; trách nhiệm, vị trí, vai trò của Tổ chức hành nghề Luật, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tạo thuận lợi cho hoạt động nghề nghiệp của luật sư.

 Thứ ba, các Tổ chức hành nghề luật sư cần đẩy mạnh công tác tuyên tuyền pháp luật qua các phương tiện điện tử, truyền thông. Pháp luật hôn nhân đảm bảo cho quan hệ vợ - chồng về tài sản, con cái,… rõ ràng và ổn định; pháp luật về sở hữu là sự thừa nhận của xã hội đối với những quyền cơ bản của mỗi con người về quyền sở hữu;… pháp luật về kinh doanh là một môi trường pháp lý phát huy sự sáng tạo và bản lĩnh làm giàu chính đáng của các nhà doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của cá nhân làm giàu cho mình và cho đất nước. Để làm tốt được việc này, đòi hỏi các Tổ chức hành nghề luật sư đẩy mạnh triển khai biên soạn tài liệu phổ thông dưới dạng hỏi đáp pháp luật, tình huống pháp luật; tuyên truyền pháp luật trên website của Văn phòng để người dân dễ dàng tiếp cận và có một cái nhìn chuẩn mực hơn về pháp luật. Đồng thời, các Tổ chức hành nghề luật sư cần tích cực ủng hộ người dân tham gia đóng góp ý kiến về dịch vụ pháp lý của mình để phát huy tối đa được thế mạnh và hạn chế những nhược điểm còn tồn tại.


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem