KỸ NĂNG SOẠN THẢO HỢP ĐỒNG DÂN SỰ, THƯƠNG MẠI

Ngày đăng 21/04/2023
2242 Lượt xem

YÊU CẦU KHI SOẠN THẢO HỢP ĐỒNG

Để có được một bản hợp đồng hoàn chỉnh chúng ta cần lưu ý những đặc điểm như sau:

Thứ nhất, Đảm bảo hợp đồng phải có hiệu lực Pháp luật.

Chủ thể ký kết có năng lực Pháp luật dân sự, năng lực hành vì dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

Chủ thể tham gia giao dịch dân sự phải hoàn toàn minh mẫn, tự nguyện;

Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của Luật, không trái đạo đức xã hội;

Thỏa mãn các yêu cầu về hình thức nếu giao dịch đó luật có quy định;

Các đối tượng của hợp đồng phải thực hiện được.

Thứ hai, Nội dung hợp đồng phải đáp ứng cơ bản mong muốn của khách hàng, tiên liệu và kiểm soát được rủi ro.

Hợp đồng phải phản ánh đúng ý chí của các bên mong muốn trong giao kết, đảm bảo được quyền lợi tốt nhất của hai bên;

Nội dung của hợp đồng phải có tính tiên liệu cao, an toàn, có lợi (tiên liệu và giảm thiểu rủi ro cho hai bên).

Thứ ba, Ngôn ngữ hợp đồng phải rõ ràng, chặt chẽ, chính xác.

Rõ ràng: Thể hiện rõ từng ý định, không dùng từ ngữ, câu văn hiểu theo nhiều nghĩa, sử dụng những từ ngữ thông dụng. Không sử dụng từ ngữ nhập nhằng, đa nghĩa.

Ví dụ: “Thanh toán” và “Tính tiền”.

Chặt chẽ: Xúc tích, ngắn gọn nhưng thể hiện đầy đủ các ý.

Chính xác: Về từng thuật ngữ, từng số liệu thể hiện.

Thứ tư, Hình thức trình bày chuyên nghiệp.

Cấu trúc hợp đồng phải hoàn chỉnh, hợp lý, logic, theo đúng tiến trình giao dịch;

Chú ý về vấn đề soạn thảo, trình bày văn bản;

Bổ sung các phụ lục trên nền hợp dồng (nếu có) khiến hợp đồng trở nên chuyên nghiệp hơn.

Ví dụ: Tiêu đề hoặc logo của công ty để đầu trang và tiêu đề sẽ được in chìm trong tất cả các trang giấy.

QUY TRÌNH SOẠN THẢO HỢP ĐỒNG

Đầu tiên, Xác định rõ yêu cầu của hai bên khi tham gia giao kết hợp đồng

Xác định được các bên tham gia hợp đồng.

Xác định mục đích mà các bên giao kết hợp đồng muốn hướng tới.

Bước hai, Xác định tính chất của loại quan hệ hợp đồng

Ví dụ: Công ty A ở Nha Trang ký kết hợp đồng với công ty B ở Hồ Chí Minh chuyên về lĩnh vực sản xuất thời trang. Để công ty A có thể đưa sản phẩm ra thị trường Nha Trang bán.

Thì đối với trường hợp này khi hai bên giao kết hợp đồng thì có thể giao kết những loại hợp đồng nào và mỗi loại hợp đồng nó đều sẽ có ưu điểm, nhược điểm riêng.

Bước ba, Xác định Luật áp dụng và tìm kiếm các thông tin cần thiết

Khi giao kết hợp đồng phải nên dùng Luật cụ thể ở đâu? Việt Nam hay nước ngoài;

Áp dụng văn bản Pháp luật chung và văn bản Pháp luật chuyên ngành một cách rõ ràng trong từng lĩnh vực cụ thể;

Đa số sẽ áp dụng nguyên tắt luật tại Điều 4 Bộ Luật dân sự 2015 và Điều 4 Luật thương mại 2005.

Cần phải tìm kiếm các thông tin cần thiết: Về chủ thể và người ký, Hồ sơ pháp nhân của công ty (Ví dụ: Khi bên A thuê mặt bằng của bên B thì bên B phải có được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy tờ sở hữu, tư cách pháp nhân, người đại diện ký kết có hợp pháp không,…)

Khi đàm phán để kết ký hợp đồng cần phải có biên bản trao đổi cuộc họp, biên bản ghi nhớ, công việc trao đổi cụ thể giữa các bên

Bước tư, Xây dựng dự thảo hợp đồng

Lập các danh mục các điều khoản của hợp đồng;

Dự thảo được hợp đồng;

Kiểm tra dự thảo hợp đồng và tính hợp pháp của nó.

KỸ NĂNG SOẠN THẢO MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA HỢP ĐỒNG

YỀU CẦU VỀ NỘI DUNG

Thứ nhất, Phải phán ảnh đúng ý giữa các bên ký kết với nhau;

Thứ hai, Phải dự liệu được mọi tính huống khi có xảy ra tranh chấp (an toàn, có lợi, giảm thiểu rủi ro,…)

Thứ ba, Phải đầy đủ các nội dung chủ yếu để tạo nên được một hợp đồng như ở mục 1.

Thứ tư, Có thể đưa bất kỳ thỏa thuận nào nhưng không được trái nội dung khả thi, không trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, không trái Pháp luật.

YÊU CẦU VỀ HÌNH THỨC

Đáp ứng đủ điều kiện mà Pháp luật đề ra;

Cấu trúc phải hoàn chỉnh, hợp lý;

Nên có tên gọi cho từng điều khoản, nội dung của từng điều khoản đó phải chia thành từng mục nhỏ và phù hợp với tên gọi của điều khoản đó;

Ngôn ngữ phải chính xác, rõ ràng;

Các khái niệm dùng trong hợp đồng phải đồng nhất với nhau.

ĐIỀU KHOẢN ĐỐI TƯỢNG HỢP ĐỒNG

Hàng hóa, vật liệu miêu tả càng rõ ràng, càng cụ thể thì càng tốt

Ví dụ: Tên gọi, số lượng, khối lượng, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, quy trình kỹ thuật, chứng từ chứng minh tài liệu hàng hóa, vật liệu,…

ĐIỀU KHOẢN GIÁ CẢ VÀ PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN

Giá trị hợp đồng, đồng tiền thanh toán;

Thời điểm thanh toán;

Giá cố định hay giá tăng theo thời vụ (giá điều chỉnh);

Phương thức thanh toán (tiền mặt hay chuyển khoản hay cả hai);

Ai là người thanh toán phần thuế phải nộp và chịu các chi phí phát sinh khi có rủi ro xảy ra;

Chế tài về khoản chậm thanh toán hoặc không thanh toán thì sẽ như nào.

CÁC TRƯỜNG HỢP BẤT KHẢ KHÁNG VÀ MIỄN TRÁCH NHIỆM

Quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 156 Bộ Luật dân sự 2015 về sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Đối với Khoản 2 Điều 351 Bộ Luật dân sự 2015 quy định về trường hợp các bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng, thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Điều 294 Luật Thương Mại 2005 cũng nói về trường hợp bất khả kháng và bên vi phạm hợp đồng sẽ được miễn trách nhiệm.

ĐIỀU KHOẢN HỦY BỎ, CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG

Được quy định cụ thể tại các Điều 310, 312 Luật thương mại 2005.

Đình chỉ thực hiện hợp đồng là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng thuộc hai trường hợp sau: Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng; một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.

Huỷ bỏ hợp đồng bao gồm hủy bỏ toàn bộ hợp đồng và hủy bỏ một phần hợp đồng. Hủy bỏ toàn bộ hợp đồng là việc bãi bỏ hoàn toàn việc thực hiện tất cả các nghĩa vụ hợp đồng đối với toàn bộ hợp đồng. Hủy bỏ một phần hợp đồng là việc bãi bỏ thực hiện một phần nghĩa vụ hợp đồng, các phần còn lại trong hợp đồng vẫn còn hiệu lực.

Điều 423, 428 Bộ Luật dân sự 2015.

Một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp sau đây: Bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận; Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng; Trường hợp khác do luật quy định.

Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Vi phạm nghiêm trọng là việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng. (Quy định tại Khoản 2 Điều 423 Bộ Luật dân sự 2015).

Vi phạm cơ bản là sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng (Khoản 13 Điều 3 Luật thương mại 2005).


Chia sẻ:

Có thể bạn muốn xem